
Bếp quê
Tác giả: Minh Phạm
Căn bếp nhà tôi: một góc đặt bếp kiềng dài, cạnh đó là nồi niêu xong chảo, cái nào cái nấy bên ngoài nhọ đen nhẻm.
Góc bên trong chất đầy rơm – mẹ dùng để đun quanh năm, giữ lửa cho những bữa cơm gia đình. Ngoài rơm, mẹ còn dùng củi khô, bẹ chuối, bẹ ngô để đun.
Bếp nhà tôi không mấy sáng sủa, chỉ có một cái bóng điện nhỏ, khói đun lâu ngày tạo bồ hóng bám đen trên gác bếp, mái ngói.

Tiếng nói đầu tiên
Tác giả: Bích Thuỷ
Mẹ tôi kể rằng khi tôi còn bé, tôi đã bị ốm rất nhiều. Chưa tới 1 tuổi nhưng mỗi tháng tôi ốm tới 2 lần. Dù đã có bà ngoại phụ giúp mẹ chăm sóc tôi, nhưng mẹ vẫn quyết định nghỉ việc 1 thời gian để ở nhà cùng tôi, mẹ nói rằng mẹ không thể chịu được việc nghĩ tới hình ảnh nhỏ bé gầy guộc ho sù sụ suốt ngày của tôi, đến nỗi mẹ đi làm cũng thấy nóng ruột mà đôi khi rơi nước mắt.
Tới khi tôi hơn 1 tuổi vài ngày, tình trạng ốm của tôi vẫn diễn ra như vậy nên mẹ suy nghĩ cho tôi về quê nội sẽ cải thiện sức khoẻ vì không khí ở quê trong lành hơn thành phố. Ngày bà nội ra thành phố đón tôi về quê, mẹ bế tôi ra ga tàu, nước mắt tôi chảy dài, nước mũi lem nhem cả mặt.
Ngày nào mẹ tôi cũng gọi điện về quê để xem tôi thế nào. 1 thời gian thì bà nội tôi bảo mẹ đừng gọi về nữa, vì càng gọi tôi càng khóc nhớ mẹ. Bà nội kể “Cứ có xe máy đỏ nào đi qua là nó gọi “Mẹ Thí, Mẹ Thí ơi” (Mẹ tôi tên Thuý, mẹ đi xe máy đỏ). Mẹ ngạc nhiên lắm vì khi ở Hà Nội tôi đã không nói được tiếng nào, mà khi về quê thì lại nói và gọi mẹ nhiều vậy.
Điều đó kéo dài gần 5 tháng nên mẹ đã quyết định đưa tôi trở lại Hà Nội. Mẹ nghĩ tới tôi khóc nhiều như vậy mẹ cũng nóng ruột mà không thể kìm lòng.

Chờ mẹ đi chợ về
Tác giả: Chang.
Mẹ có một chiếc làn cũ, ngày ngày đi chợ mẹ đều xách đi. Đám trẻ con ở nhà ngồi chờ mẹ về mà dài cả cổ. Gọi là chờ mẹ thế thôi, chứ thực ra chúng đang chờ cái làn của mẹ nhiều hơn. Nghe tiếng xe đạp của mẹ là cả đám nhào ra:
“Mẹ đi chợ về rồi!”
Chúng khệ nệ xách cái làn chứa đầy đồ ăn của mẹ vào trong, rồi hí hửng ngó xem có gì ăn không. Một bó rau muống to nằm ngang trên cùng, một túi cá mè, một túi có cà chua, rau mùi, hành lá. Một quả dưa hấu, dăm quả dưa lê và hai cốc chè thập cẩm. Chúng sung sướng hét to lên:
“Có chè, có chè, mẹ mua chè!”
Mẹ đi từ sân vào:
“Cất dưa lê để chiều đi làm muối khi nào đói thì ăn, quả dưa hấu bổ ra ăn một nửa, còn nửa nữa để tí ăn cơm xong mà tráng miệng. À có hai cốc chè đó, mấy đứa chia nhau nhé!”
Đám trẻ vâng ạ, dạ thưa các kiểu. Nhìn hai cốc chè, mẹ chẳng cần nói thì chúng cũng biết một cốc của thằng em, còn hai con chị thì chung một cốc. Kệ cũng chẳng sao, có chè ăn là vui rồi. Chúng vừa đổ đá vào cốc, vừa hí hửng hát. Vào mùa hè, làn của mẹ luôn đầy đồ ăn như thế, chúng lúc nào cũng có quà ăn vặt, khi thì mít, khi mận, khi vải,.. vì lúc đó là vào vụ muối, mẹ có đồng ra đồng vào. Những bữa cơm cũng đầy đặn, nhiều món hơn.
Còn đông về, chiếc làn của mẹ vơi đi hẳn. Rau mùa này mẹ tự trồng được nên ít khi mua.
Đôi khi trong chiếc làn của mẹ chỉ có một túi cá to ăn cả ngày. Không có quà vặt gì cả. Chúng phụng phịu, nhưng chẳng dám kêu ca. Thỉnh thoảng mẹ cho hai nghìn bảo sang nhà bác mua một bịch bỏng ngô, thỉnh thoảng trong làn mẹ có thêm một túi cam xanh bảy tám nghìn một cân. Chỉ có thế thôi. Chúng buồn, nhìn chiếc làn rách được mẹ lấy dây buộc lại chắp vá đủ chỗ còn buồn hơn. Nhiều khi chúng tự hỏi thầm: “Nhà mình nghèo đến thế sao?”
Hỏi là tự hỏi thế thôi chứ chúng cũng tự biết.
Chiếc làn rách đó lớn lên theo cùng những đứa trẻ, không phải nó có màu hồng nhạt đâu, mà là màu đỏ, năm tháng trôi đi nó ngả dần sang màu hồng đậm, hồng nhạt, rồi hồng loang trắng. Bây giờ mẹ có chiếc làn màu xanh lá mới. Nhưng mẹ lại ít xách đi chợ hơn, mẹ thường cầm đồ trên tay rồi bỏ vào giỏ xe đạp. Chỉ khi nào nhà có công việc, lễ tết, giỗ chạp, mẹ mới xách chiếc làn màu xanh lá đi. Cũng như thường lệ, dù đã lớn, chúng vẫn chờ mẹ đi chợ về. Trong cái làn đầy ú ụ kia, kiểu gì mà chẳng có phần cho chúng.